Học bí quyết người Nhật chăm sóc bố mẹ già

Người Nhật rất quan tâm đến tâm lý và thể chất của người cao tuổi. Hiện nay 90% người cao tuổi tại Nhật được chăm sóc tại nhà.

Khác với các nước khác, thay vì gửi bố mẹ già vào viện dưỡng lão, người Nhật có truyền thống chăm sóc bố mẹ tại nhà. Với triết lý nâng cao chất lượng cuộc sống tại nhà, giúp người cao tuổi sống lâu và khỏe mạnh, bên cạnh những tiến bộ về y tế, người Nhật có những quan điểm rất tiến bộ trong việc khuyến khích người già vận động và tự chủ sinh hoạt cá nhân.

Người Nhật rất quan tâm đến tâm lý và thể chất của người cao tuổi. Hiện nay 90% người cao tuổi tại Nhật được chăm sóc tại nhà.

Quên đi tuổi già và bệnh tật bằng giải trí và hoạt động

Akira Kawahito, tác giả của cuốn sách mang tên “I want to die at home” (Tôi muốn được chết tại nhà), đồng thời cũng là bác sĩ chữa trị cho những người cao tuổi tại Yanagihara, phía đông Tokyo cho biết: “Truyền thống của Nhật Bản là chăm sóc bố mẹ già tại nhà. Triết lý của chúng tôi không phải là cố gắng kéo dài tuổi thọ, mà là nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng họ hưởng thụ những giây phút vui vẻ, thức ăn ngon và có thể dành nhiều thời gian cho bạn bè và gia đình thân yêu xung quanh họ”.

Trên thực tế, một cuộc sống vui khỏe và tích cực ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình lão hóa và khả năng phục hồi của cơ thể. Tâm lý thoải mái và lạc quan là mục tiêu mà người cao tuổi cần hướng tới và nên được quan tâm một cách tinh tế từ con cháu và người chăm sóc. Tại đất nước mặt trời mọc, các thành viên lớn tuổi trong gia đình luôn được khuyến khích vận động và tham gia các hoạt động giải trí để duy trì tinh thần vui vẻ.

Niềm lạc quan vui sống là liều thuốc tinh thần vô giá đối với người cao tuổi.

Các thể loại giải trí được áp dụng tại Nhật Bản vô cùng đa dạng, từ luyện tập trí não như pachinko và mah – jong (sau khi loại bỏ các yếu tố cờ bạc), kích thích vận động cơ thể (khiêu vũ, vật lý trị liệu) đến giải trí bằng ngón tay như thủ công, may vá. Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội tùy theo sở thích phổ biến của người cao tuổi cũng được hưởng ứng rất tích cực như câu lạc bộ cắm hoa, làm đồ gốm, làm vườn, thư pháp, thơ haiku, nấu ăn và vẽ tranh. Đặc biệt, người hạn chế khả năng đi lại hoặc ngồi xe lăn vẫn có thể tham gia các hoạt động như kể chuyện, sáng tác, ngoài ra nhu cầu giao tiếp với bạn bè và người thân trong gia đình của họ cũng luôn được quan tâm.

Vui sống từ việc tự chủ trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân

Một cách vận động hiệu quả khác đối với ông bà cha mẹ chính là những công việc đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày. Sức khỏe bị suy yếu thường dễ sinh ra tâm lý tự ti, chán nản, lo lắng vì phải phụ thuộc vào sự trợ giúp của người khác. Thấu hiểu cảm giác này, phương pháp điều dưỡng tiên tiến của Nhật Bản luôn đề cao khả năng tự chủ và độc lập của người cao tuổi. Những công việc đơn giản như tự mặc quần áo, tự xúc cơm, tự đi vệ sinh không chỉ kích thích quá trình phục hồi của cơ thể mà còn giúp người bệnh tự tin làm chủ cuộc sống.

Tuy nhiên, đối với người già có thể chất sa sút, đặc biệt là người hạn chế khả năng đi lại thì việc tắm rửa và vệ sinh cá nhân sẽ trở nên khó khăn hơn, thường cần đến sự trợ giúp hoặc theo dõi của người chăm sóc. Việc xử trí vấn đề nhạy cảm này một cách khéo léo và khoa học sẽ giải tỏa tâm lý cho người bệnh, giúp họ an tâm và thoải mái hơn.

Một số giải pháp chăm sóc bài tiết khác cho người cao tuổi của các chuyên gia điều dưỡng Nhật Bản có thể được áp dụng như lắp đặt thêm lan can trong nhà vệ sinh chung để người bệnh có thể bám chắc, tránh trượt chân hoặc đổ người về phía trước. Nhà vệ sinh di động cũng có thể được đặt trong phòng ngủ để giúp những người bệnh khó đi lại có thể sử dụng vào ban đêm do không gian tối dễ gây nguy hiểm. Ngoài ra, nếu người bệnh quá yếu không thể tự đi vệ sinh một mình thì người chăm sóc cũng nên để họ tự làm những việc có thể, ví dụ như kéo lên xuống quần và giật xả bồn cầu.

Việc quan tâm chăm sóc cho ông bà cha mẹ tại nhà không chỉ cần đến tình cảm yêu thương chân thành mà còn cả những kiến thức đúng đắn giúp chất lượng cuộc sống của cả gia đình được cải thiện. Quan điểm tiến bộ của Nhật Bản trong việc chăm sóc người già được đánh giá là hoàn toàn có thể được áp dụng tại Việt Nam nhằm giúp người cao tuổi tự tin và lạc quan hơn trong cuộc sống.

(Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-viet-hoc-duoc-gi-tu-chuyen-nguoi-nhat-cham-soc-cha-me-gia-20171102112450188.htm)

Ý kiến của bạn

Bài viết xem nhiều