Thông thường khi các bé đến tuổi ăn dặm, mẹ Việt thường theo thói quen cho con ăn bột hoặc cháo xay nhuyễn đến khi bé 2 tuổi. Tuy nhiên, mẹ Nhật lại cho con ăn từng loại thức ăn riêng biệt như tinh bột, rau củ quả, thịt cá... Tương ứng mỗi một giai đoạn mẹ sẽ chế biến thức ăn cho bé phù hợp như nghiền nguyễn, thái nhỏ... Với cách ăn này bé sẽ cảm nhận được vị riêng của từng loại đồ ăn và kỹ năng nhai nuốt cũng tốt hơn so với kiểu ăn dặm truyền thống.
Ăn dặm kiểu Nhật đúng cách
- Thời gian bắt đầu ăn dặm kiểu Nhật: là khi bé có biểu hiện muốn ăn, ở giai đoạn từ 5-6 tháng tuổi.
- Khi cho bé ăn dặm, mẹ dùng cối giã và rây để làm mịn thức ăn, giúp bé dễ nuốt và cảm nhận được đầy đủ hương vị, tính chất của món ăn. Đồng thời, mẹ dễ dàng điều chỉnh được độ lỏng, đặc, thô của món ăn theo từng giai đoạn phát triển của bé.
- Trong quá trình bé tập ăn dặm, mẹ sẽ cho ăn từ lỏng đến đặc, từ mịn tới thô, từ ít tới nhiều… giúp bé dần tự học được kỹ năng nhai, nuốt tốt.
- Mẹ Nhật thường dùng cá khô bào và rong biển (những thực phẩm có hàm lượng canxi cao, ít chất béo) để nấu nước dùng Dashi cho bé.
- Ý kiến của bé sẽ được tôn trọng trong việc có muốn ăn hay không, ăn theo nhu cầu của bé nên không khí bữa ăn thường rất vui vẻ chứ không căng thẳng.
- Ăn dặm kiểu Nhật rất chú trọng về mặt hình thức, mỗi món ăn được trình bày bắt mắt trong những bộ chén đĩa riêng biệt, nhiều màu sắc khiến bé sẽ cảm thấy thích thú hơn khi ăn.
- Nguyên tắc khi nấu cho bé ăn dặm kiểu Nhật là không dùng gia vị và tôn trọng vị nguyên bản của từng loại thực phẩm, việc này giúp bé phát triển vị giác và khả năng ăn thô tốt hơn.
- Vì các món ăn không trộn lẫn vào nhau nên mẹ dễ dàng theo dõi tình trạng dị ứng thực phẩm của con.
- Thông qua việc ăn dặm, người Nhật giáo dục con về cách ăn uống ngay từ khi còn rất nhỏ, bé sẽ biết nhai, không ngậm và biết chủ động trong ăn uống, biết yêu cầu, từ chối và xác định điều mình muốn.
- Mẹ cần tập cho bé ăn đúng giờ và không nên so sánh với trẻ khác mà hãy điều chỉnh theo nhu cầu phù hợp với bé.
(*) Lưu ý: Sữa mẹ là thức ăn thiết yếu cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ; các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ có tác dụng giúp trẻ phòng, chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác.
Ý kiến của bạn